Hành trình 6 năm đi chữa trầm cảm của tôi
Hành trình 6 năm đi chữa trầm cảm của tôi

Phương pháp ngắn hạn

Một trong những cách ngắn hạn để giải quyết nỗi buồn chính là tâm sự với những người hiểu mình. Đó có thể (nếu bạn may mắn) là tâm sự với bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Đó cũng có thể là một người bạn thân hiểu tính tình của bạn. Đó còn có thể là người mà mình hẹn hò. Cách này là cách dễ dàng nhất để giải tỏa những tâm sự trong lòng. Ưu điểm là dễ dàng và miễn phí, tuy nhiên có một nhược điểm lớn là họ không được đào tạo một cách chuyên sâu để xử lý những vấn đề của người trầm cảm.
Một cách khác chính là viết nhật ký. Khi viết, trí não được thúc đẩy để sắp xếp tư duy của mình sao cho việc diễn đạt được hiệu quả. Bạn có thể viết trên giấy để “trút bầu tâm sự”, hoặc đánh máy nếu chữ của bản thân không được đẹp và suy nghĩ nhanh hơn tốc độ viết. Ưu điểm của việc này là dễ dàng, riêng tư và chỉ tốn “phí” là thời gian, nhược điểm phương pháp này đòi hỏi một sự kiên nhẫn và sức khỏe, thứ mà người trầm cảm nặng sẽ không có.
Cách cuối cùng chính là thiền. Thiền dạy bạn cách kiên nhẫn và nắm lại sự kiểm soát với những suy nghĩ trong não, giúp ta nhận ra được sự tách biệt giữa suy nghĩ và thực tế. Thiền cũng giúp ta tập trung vào hơi thở, làm dịu đi cảm giác căng thẳng và lo âu, và giúp tăng cường sự tập trung và tăng cường tinh thần tích cực. Ưu điểm của phương pháp thiền là có những lợi ích đã được khoa học chứng minh, nhược điểm là không phải người nào cũng có thể thiền. Thiền và yoga đã giúp bạn tôi tìm lại sự bình yên sau khi bị gia đình cấm cản trong việc hẹn hò, dẫu vậy, vì nó quá tĩnh lặng và buồn ngủ nên nhiều người, bao gồm cả tôi, không thích thiền.
Bây giờ, mời bạn đọc tiếp phần chính của bài này, chính là:

Phương pháp dài hạn để điều trị trầm cảm

Văn hóa đại chúng khắc họa những người có vấn đề về đầu óc là những kẻ điên rồ gây hại cho xã hội, trong khi thực tế, những bệnh nhân tâm thần có khả năng tự hại hơn. Đối với những quốc gia nhiều thành kiến với bệnh tâm thần, những thành kiến này đến từ người bị bệnh và không bị bệnh, thì đa số mọi người chỉ tìm đến bác sĩ khi bệnh đã nặng. Và không phải tự tìm, mà là người thân chở đi khám. Số đông có thiên kiến rằng trầm cảm và các rối loạn tâm lý chỉ do bệnh nhân nghĩ quá nhiều chứ tự thân họ hoàn toàn có thể tự vượt qua được. Đến cả tôi cũng vậy, ngay khi nằm bẹp giường, tôi vẫn nghĩ tôi chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là ổn. Cho đến khi bạn trai lúc đó của tôi bay từ Phần Lan về Việt Nam, Google bác sĩ giỏi của TPHCM, đến tận cửa đưa tôi đi và trả tiền cho tôi, tôi mới chấp nhận điều trị, dù trước đó, tôi đã biết mình bị trầm cảm không nhẹ nhờ làm các bài test trầm cảm trên mạng.
Dẫu những bài test ấy không thay thế được với chẩn đoán bác sĩ, tuy nhiên, tôi vẫn mong việc tôi nói ra câu chuyện của mình sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để chăm lo cho sức khỏe tinh thần của bản thân hơn.
Để thật sự hiệu quả, khi bị trầm cảm hay bất cứ rối loạn tâm thần hay cảm thấy đầu óc có vấn đề, chúng ta đều nên đi khám bác sĩ. Tôi thành thật khuyên như vậy.
Bạn rất nên, và hoàn toàn nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn. Điều trị trầm cảm đòi hỏi sự can thiệp của các chuyên gia như bác sĩ tâm thần (psychiatrist), nhà tâm lý học (psychologist) hoặc nhà tư vấn tâm lý (therapist). Họ có thể cung cấp các kỹ thuật và chiến lược để quản lý và điều trị trầm cảm hiệu quả hơn. 
Về bác sĩ tâm thần, tôi xin giới thiệu bác sĩ của tôi: bác sĩ Nguyễn Thị Giang. Với hơn 25 năm kinh nghiệm về tư vấn tâm lý và điều trị các bệnh tâm thần kinh, hiện bác sĩ Giang là Nguyên Trưởng khoa Tâm lý - tâm thần trẻ em trực thuộc bệnh viện Tâm thần TPHCM. Bác sĩ Giang đã tốt nghiệp chuyên khoa 1 ngành Tâm thần tại Đại học y dược TPHCM. Bằng cấp đầy đủ như vậy, tôi còn rất ấn tượng với cách hành nghề và cách bác đối xử với bệnh nhân. Bác dịu dàng và tâm lý, khám bệnh chỉn chu và bài bản, không như một số bác sĩ khác mà tôi đã gặp. Tôi đã phải đổi đến bác sĩ Giang là người thứ sáu, vì những người trước không đủ tốt. Người thứ nhất không phát hiện ra bệnh trầm cảm của tôi đã chuyển biến thành rối loạn lưỡng cực, để rồi gần đây ông bị phạt 90 triệu vì khám bệnh vượt chuyên môn. Người thứ hai thì khám bệnh kiểu tự ý cho rằng (assume) vấn đề của tôi là a, b, c; hỏi tôi “Bố con gia trưởng đúng không?” thay vì để tôi kể ra câu chuyện của tôi, sau đó còn kê cho tôi thuốc làm tôi mất kinh, chỉ ngụy biện rằng: “Thuốc này thuốc của Mỹ. Con không đến tháng là do tác dụng phụ của thuốc. Có người một năm có kinh hai lần nhưng họ vẫn làm mẹ được vậy.” Uống thuốc của bà này hai năm, tôi bị teo tử cung. Bác sĩ thứ ba thì là Trung tâm Y khoa Vạn Hạnh (159 Trần Quốc Thảo, Phường 9, Quận 3, TP HCM), chẩn đoán đúng bệnh của tôi nhưng sau đó tôi phải nhập viện nên không có duyên khám tiếp. Bác sĩ thứ thì do tôi khám bệnh viện tư nên tiền thuốc lên đến hai triệu/ tháng, quá mắc. Vả lại, ông thường xuyên không có mặt ở phòng khám. Bác sĩ thứ năm, “thầy của nhiều người thầy” thì thuốc quá nhiều tác dụng phụ (tôi bị run tay, ông ghi chú “Parkinson”, giảm thuốc bốn lần, xong rồi bảo tôi: “Lười biếng là triệu chứng âm tính của bệnh”, tôi thấy như vậy là không đủ tinh tế đối với bệnh nhân, và cũng do tôi tự ái, đã thế thuốc còn làm tôi không đến tháng, và ông chỉ giải thích qua loa gì đấy mà tôi không đủ hài lòng). Bác sĩ thứ sáu là bác sĩ Giang, là người đã giúp bạn tôi từ rối loạn lưỡng cực chuyển sang đậu Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh và giảng dạy, đi làm bình thường. Tôi uống thuốc của bà kê cho không bị tác dụng phụ, đã khỏe hơn trước và hiện tại đã có việc làm trong khi một năm trước tôi còn đi livestream chửi đổng và làm khùng làm điên ở sân bay (triệu chứng loạn thần của rối loạn phân liệt). Bạn tôi, tâm lý gia, bảo rằng, nếu tôi không khám bác sĩ đầu tiên, có lẽ tôi đã khỏi lâu rồi. Tôi cũng hơi nuối tiếc vì ông lọt top 10 bác sĩ tâm thần giỏi của thành phố, nhưng tôi  và bạn trai cũ đã làm hết sức có thể với nguồn lực chúng tôi có lúc đó. Nuối tiếc cũng chẳng thể quay ngược thời gian lại được. Bạn cũng thấy đấy, gặp được bác sĩ tốt là do duyên. Người bác sĩ đầu tiên đã về hưu lâu rồi nên có lẽ ông không có thời gian cập nhật kiến thức mới nhất về bệnh. Ông có công cứu sống tôi khỏi cơn trầm cảm năm 2018 và kê thuốc giúp tôi đến tháng bình thường và thuốc của ông giúp hồi phục tử cung của tôi sau sự kiện tôi bị teo tử cung và u tuyến yên tháng 4/2022, nhưng “có tội” khi không nhận ra sự trầm cảm của tôi chuyển sang rối loạn lưỡng cực nửa cuối năm 2022. Nên bị phạt 90 triệu cũng là quả báo của ông ấy. Tôi từng bị HP, tôi khám Phó giáo sư Tiến sĩ khoa Tiêu hóa một bệnh viện lớn của thành phố mấy tháng không khỏi. Đến khi tôi chuyển sang khám Tiến sĩ Y khoa đầu ngành cũng của bệnh viện ấy, ông mới nói tôi rằng toa thuốc tôi uống là ở miền Nam bệnh nhân đã lờn hết rồi. Ông kê một toa cực nặng, khiến tôi nằm bẹp trên giường vì tác dụng phụ. Nhưng rồi tôi hết HP thật. Bù vào đó, tôi bị trầm cảm vì chỉ có thể nằm trên giường với người bạn “thân” là những suy nghĩ mình thật vô dụng vì không đi làm được. 
Một lời khuyên của tôi khi đi khám tâm thần là buổi đầu tiên nên đi sớm vì các bác sĩ sẽ hỏi bệnh khá lâu mới chẩn bệnh đúng được. Bác sĩ đầu tiên của tôi thì cho tôi làm một vài trắc nghiệm và đo điện não đồ. Cả hai bác sĩ đều khám mất khoảng một tiếng. 
Tôi muốn nói một chút về việc dùng thuốc điều trị trầm cảm. Có một suy nghĩ phổ biến rằng không ai muốn lệ thuộc vào thuốc cả. Vấn đề là, trầm cảm là bệnh, mà có bệnh thì dùng thuốc thôi. Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tự tử, ung thư cũng rút ngắn sự sống nhưng sẽ không ai hỏi bạn tại sao không tự lực vượt qua ung thư, mà họ lại hỏi tại sao không tự vượt qua bệnh trầm cảm. Tôi cho rằng đây là áp lực không đáng có. Chẳng phải là phụ thuộc thuốc, mà là bạn chỉ đang điều trị bệnh của mình. Đừng để nỗi sợ “phụ thuộc thuốc” đè lên đôi vai của bạn và nằm chịu đựng những nỗi buồn trong khi nó có thể giải quyết được bằng thuốc. Tôi cảm thấy hơi khôi hài khi một căn bệnh của Thần Chết nhưng mọi người đều sợ phụ thuộc thuốc, trong khi không ai bảo người bị gãy chân không được phụ thuộc nạng và lớp bột bó cho liền xương. Vì suy nghĩ thì người khác không thấy được, còn chân gãy thì có thể nhận biết được bằng mắt thường. Có bệnh thì chữa thôi, tôi mong một ngày nào đó sự kỳ thị về căn bệnh này sẽ thuyên giảm để không còn ai phải chịu đựng khổ đau một mình nữa.
Về chuyên gia tâm lý, thì trong phòng khám của bác sĩ đầu tiên, có hai chị therapist. Một chị hay quan sát rồi nhận xét, chị còn lại thì hay khuyên nhủ. Ai hợp chị nào thì đi chị đó. Tôi đi chị thứ nhất vì không thích bị dạy đời, chị ấy khá ổn, cho tôi nhiều lời khuyên hữu ích như việc cuối ngày ghi một danh sách những việc mình làm trong ngày, ngay cả những thứ nhỏ nhặt như thức dậy, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, ăn sáng. Những điều nhỏ như vậy cũng là cảm giác thành tựu của người bị “con chó đen” trầm cảm làm thui chột ý chí, giúp họ những bước chập chững vượt qua ngày. Có những ngày quan trọng, đó có thể là ngày họ ngỡ là ngày họ chấm dứt cuộc sống, nhưng rồi, nó là sự bắt đầu một chuỗi nỗ lực cho một trang mới của họ. 
Một trong những cuộc nói chuyện quan trọng nhất của tôi với chị therapist là câu:
- Điểm yếu của em là cái tôi của em quá cao.
- Đó là thứ duy nhất giữ em còn sống, vì em không sai, người ta tự kiếm chuyện với em.
Một cuộc nói chuyện khác:
- Em cảm thấy em như ở dưới đáy một cái hố sâu tuyệt vọng, có kêu gào thảm thiết khóc lóc đến đâu thì cũng không ai tới cứu.
- Em vẫn có em, em không trèo lên trên được nhưng em vẫn có thể đào ngang được đúng không?
Một cuộc nói chuyện chữa lành nữa:
- Em cảm thấy em không thuộc về nơi nào cả.
- Em thuộc về chính em.
- Em cảm thấy như vậy không đủ.
- Một ngày nào đó, em sẽ thấy chỉ như vậy thôi là đủ rồi
Chi phí của chị này là 200.000/ buổi, nhưng vì chị ấy thuộc phòng khám của bác sĩ một nên tôi không gợi ý cho các bạn được, tôi cũng không muốn nêu tên để bóc phốt làm gì. Dù gì họ cũng giúp tôi một thời gian.
Người thứ hai tôi đi tâm lý là các chuyên viên tâm lý của bệnh viện Tâm Thần (766 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TP HCM). Vì là trung tâm đầu ngành nên các chị ở đây làm khá chỉn chu, chỉ bị cái bệnh viện hơi cũ. Ưu điểm là các chị dịu dàng dễ thương, hữu ích, chi phí rẻ (150.000/ 45 phút). Nhược điểm là vì rẻ nên lịch của các chị khá kín, phải 3 tuần - 1 tháng mới được xếp lịch một lần, và phải đi vào giờ hành chính nên cũng bất tiện cho những người đi làm muốn điều trị tâm lý.
Vì tôi uống thuốc của bác sĩ Giang rồi nên chỉ muốn đi điều trị tâm lý thôi, nhưng tôi phải lấy số, khám bác sĩ của bệnh viện, rồi nói họ tôi muốn đi tâm lý. Bác sĩ của bệnh viện bảo: “Học Ngoại Thương thì giỏi lắm, biết hết rồi”, tôi hơi khó chịu, không biết họ nói vậy để làm gì, nhưng cũng kệ, rồi bác sĩ đưa giấy giới thiệu qua phòng tâm lý. Họ đưa cho tôi một xấp giấy để điền trước. Tôi khá thích xấp này, nó thể hiện sự chu đáo, kỹ lưỡng và cẩn thận của người làm khoa học. Có những câu hỏi để tôi ghi vấn đề của tôi ra, để các chị tâm lý nghiên cứu trước khi vào case tâm lý để 45 phút ấy hiệu quả nhất. Và đúng là hiệu quả thật. Chị ấy đã giúp tôi tin vào giá trị của bản thân hơn trong khoảng thời gian thất nghiệp, chỉ có thể phụ mẹ làm việc nội trợ. Chị nói rằng nội trợ là một nghề được tôn trọng ở Nhật Bản, Việt Nam thì chưa nhưng việc tôi nấu ăn cho bố và chị trong thời gian mẹ về quê cũng giúp duy trì gia đình mạnh khỏe, và tôi cần ghi nhận điều đó. Nhưng vì lý do bất tiện, xa nhà, tôi cũng không duy trì đi được lâu.
Về thời gian tới, tôi định đi anh tâm lý gia, đồng nghiệp của bạn tôi. Anh này chuyên về phân tâm học. 450.000/buổi cho người đi làm. Nhưng vì lý do tài chính nên tôi cũng chưa sắp xếp đi để review cho mọi người được. Tuy vậy, buổi giới thiệu với anh này thì tôi cũng khá có cảm tình, do anh ấy nói rằng điều trị tâm lý là một quá trình dài, nó có thể chạm đến những nỗi đau sâu nhất của tâm hồn. Tôi cảm thấy đặt kỳ vọng như vậy cho thân chủ rất hợp lý.
Về bạn bè tôi thì cũng có người đi tư vấn tâm lý ở ngoài, tính tiền theo buổi, một buổi là 500.000 VND. Tôi hỏi họ thấy hài lòng không, họ bảo thấy hơi thất vọng vì 500.000 nhưng không giải quyết được vấn đề. Tôi chỉ muốn nói rằng: cách bạn đối diện với vấn đề hiện nay bạn gặp là tổng hòa của rất nhiều điều trong quá khứ, cả cuộc đời bạn từ trước đến nay mà có thể giải quyết trong vòng một tiếng đồng hồ thì hơi khó, đúng không? Và 500.000 là đã còn rẻ rồi, có những chuyên gia tính tiền triệu cho một buổi tư vấn này. Tuy nhiên, tôi hiểu là con số 500.000 là một con số lớn, tôi cũng chưa có cách giải quyết triệt để. Nhưng tôi mong bạn nhìn nhận ở một góc độ khác là chi phí đào tạo chuyên gia tâm lý, những kinh nghiệm của họ cũng không rẻ và cần được công nhận. Tôi phân tích hai góc độ từ cá nhân bạn và từ cá nhân chuyên viên là như thế. 
Một lời khuyên của tôi là bạn hãy lập một bảng, cột 1 ghi số thứ tự, cột 2 ghi thời gian, cột 3 ghi sự kiện, cột 4 ghi cảm xúc của bạn về sự kiện đó, in ra và đưa cho bác sĩ tâm thần và/hoặc chuyên gia tâm lý của mình vào hôm đầu tiên. Hôm ấy họ hỏi bệnh là chính và bạn sẽ ngồi kể chuyện. Làm như cách tôi nói thì họ sẽ nắm được tình hình của bạn kỹ hơn, dẫu rằng bạn vẫn sẽ kể lại cuộc đời bạn, nhưng lập bảng sẽ giúp họ có cái nhìn sơ bộ, tiết kiệm thời gian hơn hẳn. 
Một phương án bình dân hơn là gọi Đường dây nóng Ngày mai, do tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (tác giả cuốn “Đại dương đen”, một cuốn sách nên đọc của người trầm cảm) kết hợp với chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên mong muốn nâng cao nhận thức của xã hội về sức khỏe tâm thần và trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng tâm lý, đặc biệt là người trẻ trầm cảm, và người thân của họ. Hotline này đã giúp tôi vượt qua một lần muốn chấm dứt cuộc đời (lần này tôi thấy lời khuyên của họ rất hữu ích) và một lần tôi gặp vấn đề khác (lần này thì tôi thấy lời khuyên của chuyên viên chưa thỏa đáng lắm). Tuy nhiên, tôi cảm thấy như vậy là hợp lý với chi phí bỏ ra (chỉ tính tiền điện thoại, tôi chi khoảng 20.000 cho 45 phút gọi, mạng Viettel), nhưng chưa đủ so với nhu cầu của nhiều người vì họ không hoạt động 24/7. Nhưng tôi cũng hiểu rằng đây là nhóm tình nguyện, kinh phí duy trì bằng việc kêu gọi ủng hộ từ những người trợ giúp, chỉ hoạt động từ 13h - 20h30 từ thứ tư đến chủ nhật. Tuy vậy, có còn hơn không.
Vậy thì, trong khoảng thời gian không gặp bác sĩ, không điều trị tâm lý, hotline không hoạt động, thì những người trầm cảm nên làm gì?
Đầu tiên, họ nên có một lối sống tốt. Những điều người bị trầm cảm nên tập thể dục, vì khi hoạt động thể chất, cơ thể sẽ tiết ra những hormone hạnh phúc như endorphin, dopamine và serotonin, có lợi cho tinh thần và cả cơ thể vật lý. Chúng ta không cần phải chạy marathon, chỉ một cuộc đi dạo ở nơi gần nhà, tập yoga, bơi hoặc chạy xe đạp sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn để xử lý những công việc hằng ngày.
Vì sao bây giờ tôi mới nhắc tập thể dục? Bởi vì trầm cảm có nhiều mức độ. Có những người bị nặng (như tôi) thì ý chí muốn sống còn không có, không muốn ra khỏi giường chứ nói chi đến việc cuốc bộ. Thuốc trầm cảm bác sĩ kê giúp điều chế lại lượng chất dẫn truyền thần kinh trong não, giúp tâm trí bình ổn hơn, rồi tôi mới có thể đi bộ được. Bạn hoàn toàn có thể cho việc tập thể dục làm giải pháp ngắn hạn, thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Theo tiến sĩ Giang viết trong cuốn “Đại dương đen”, trầm cảm là do “có sự tương tác qua lại của các yếu tố sinh học, môi trường và tâm lý. Gene đóng một vai trò, nhưng vai trò không bất biến mà thay đổi tùy theo mức áp lực bên ngoài. Mặt khác, những yếu tố ngoại cảnh như tác động của người mẹ lên thai nhi khi họ chịu stress, hay một tuổi thơ bất hạnh cũng thay đổi tố chất sinh học, cụ thể là nó có thể khiến hệ thống điều hòa cortisol của cơ thể trục trặc. Tiếp nữa, những trải nghiệm quá khứ bất lợi khiến người ta phát triển niềm tin lệch lạc về bản thân, về xung quanh và về tương lai, hoặc bị tiêm nhiễm cảm giác tôi bất lực trước cuộc sống. Tất cả những điều này tạo nên sự tổn thương, khuynh hướng trầm cảm. Chúng làm suy yếu sức kháng cự của một cá nhân. Chỉ cần một cú đẩy mới, một sự kiện tiêu cực mới, họ có thể gục ngã.” Một vấn đề phức tạp như vậy thì không thể giải quyết chỉ bằng việc tập thể dục được, mà là tổng hòa các phương pháp giải quyết. 
Bên cạnh đó, bạn cần xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ giúp đỡ về thể chất và tinh thần - là gia đình, bạn bè, mentor, đàn anh, đàn chị, đàn em, hoặc bất cứ ai quan tâm và tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Tôi bị trầm cảm do cách đối xử của gia đình, tuy nhiên, trong thời gian tôi bệnh nặng, nếu không có sự trợ giúp tài chính của họ thì có lẽ hiện nay tôi vẫn còn cảm giác ở dưới đáy xã hội. Tuy vậy, vẫn có những giới hạn được đặt ra nhằm bảo vệ tâm trí của tôi. Tôi cũng có người yêu giúp đỡ về tinh thần, là người tâm sự và an ủi, khích lệ tôi hằng ngày. Tôi chọn lọc lại bạn, cắt bỏ mối quan hệ với những người bạn đem lại cảm giác tiêu cực, chỉ để lại những người thực sự phù hợp và quan tâm đến tôi. Giao tiếp và kết nối với người khác có thể giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và cải thiện tâm trạng khi cơn trầm cảm ập xuống.
Một điều thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm là mất ngủ, biếng ăn. Đây là lúc bạn nhận ra: “ăn được ngủ được là tiên”. Hãy uống thuốc đều theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo giấc ngủ. Vào buổi sáng đầu tiên tôi ngủ dậy sau khi dùng thuốc trầm cảm, thế giới này bỗng dễ thở hơn gấp vạn lần. Ngủ đủ giúp nạp năng lượng, chữa lành cơ thể và tâm trí. Còn về việc ăn, bạn ăn như thế nào thì người bạn như thế ấy. Hãy cố gắng ăn thực phẩm tốt để nuôi dưỡng cơ thể của mình vì dạ dày chính là bộ não thứ hai của con người.
Một điều nữa là người trầm cảm nên học cách xử lý căng thẳng và áp lực, thuật ngữ chuyên môn là tìm cơ chế đối phó (coping mechanism) lành mạnh. Bạn cần học các kỹ năng quản lý căng thẳng như kỹ thuật thở sâu, thiền, hoặc yoga có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của trầm cảm và tăng cường trạng thái tinh thần tích cực. 
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để hồi phục sau trầm cảm chính là bạn gia tăng kiến thức về thế giới này, nhất là tâm lý học và tìm hiểu về bản thân. Hãy tranh thủ đọc thật nhiều sách để hiểu về bản thân, hiểu về đời và hiểu loài người. Tôi đã đọc những dòng về tha thứ và giá trị của cuộc đời người trong cuốn “Thiện, ác và smartphone”, cũng của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, xin trích nó như sau:
“Tha thứ là gì?
[...] Tha thứ không phải là lãng quên. nó không chối bỏ nỗi đau của nạn nhân hay bắt họ nhất thiết phải trở thành bạn tốt nhất của kẻ gây hại. [...] Tha thứ là giải phóng bản thân khỏi sự ám ảnh của cái bất công xảy ra với mình, và sống một cuộc sống độc lập, không bị bóng đen của kẻ gây hại phủ lên [...]
Nhân phẩm đáng giá bao nhiêu?
[...] Bất kể trong hoàn cảnh nào, sinh mệnh và nhân phẩm của từng cá nhân phải được tôn trọng [...] Theo Kant, con người không có giá cả để mua bán được, họ vô giá.”
Trích dẫn ngắn gọn như vậy không nói được hết giá trị của những dòng chữ vàng ấy. Tôi thật sự khuyên những ai bị trầm cảm nên nghiền ngẫm cuốn sách này.
Một số quyển sách khác yêu thích của tôi về trầm cảm là bộ ba: “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, rồi đến “Đại dương đen” của tiến sĩ Giang và cuốn “Ý nghĩa của sự điên loạn - Cách nhận diện nguồn cơn và xử lý những nỗi đau tinh thần cho bạn” của bác sĩ tâm thần Neel Burton. Các cuốn sau thì không cần đọc theo thứ tự: 
- “Thiện, ác và smartphone” - tiến sĩ Giang
- “Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” - Stefan Klein 
- “Những điều giữ tôi còn sống” - Matt Haig
- “Hành tinh của kẻ nghĩ nhiều” - Nguyễn Đoàn Minh Thư
- “30 tuổi, mọi thứ chỉ mới bắt đầu” - Lý Thượng Long
- “Cha mẹ độc hại” - Susan Forward & Craig Buck
- "Bầy cừu xuất chúng - Lật tẩy khoảng tối của nền giáo dục tinh hoa Mỹ" - NWilliam Deresiewicz
- “Người nhạy cảm và hành trình đi tìm bình yên” - Karyn D. Hall
- “Hạnh phúc không đắt như bạn nghĩ” - Tammy Strobel
- “Ý nghĩa của sự điên loạn – Cách nhận diện nguồn cơn và xử lý những nỗi đau tinh thần sâu trong bạn” của tác giả Neel Burton
Một số bài hát sau:
- Tất cả bài hát của Citizen Soldier
Các clip Youtube sau:
- "I'm Fine" - Learning To Live With Depression | Jake Tyler | TEDxBrighton/ “Tôi ổn” - Học cách sống cùng bệnh trầm cảm
- How to do laundry when you're depressed | KC Davis | TEDxMileHigh/ Cách giặt và gấp đồ khi bị trầm cảm
- Depression, the secret we share | Andrew Solomon | TEDxMet/ Trầm cảm, bí mật chung của chúng ta
Một số bộ phim sau:
- “A beautiful mind”
- “Silver lining playbook” - 
- “The perks of being a wallflower”
- “12 angry men”
- “It’s a wonderful life”
- “The shawshank redemption”
- “Life is beautiful”
Lời cuối cùng, xin khép lại bài viết này bằng một lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và bình yên cho những bệnh nhân trầm cảm đang gắng gượng từng ngày. Tất cả chúng ta đều xứng đáng có được hạnh phúc, tôi tin là như vậy. 
Love Yourself, always,
NARCY