Trước sự diễn biến mau lẹ trên chiến trường, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; từ đánh trực diện chuyển sang đánh “vây lấn”. Vì vậy, chiến thuật hầm hào chính là một trong những yếu tố cốt lõi, một sáng tạo đầy bất ngờ, góp phần làm nên thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Để chuẩn bị cho đợt tiến công thứ 2 của chiến dịch tấn công vào Phân khu Trung tâm, bắt đầu từ ngày 18/3/1954, trên khắp cánh đồng Mường Thanh, hệ thống giao thông hào đồng loạt xuất hiện, với hai loại chính:
Một là, đường hào trục, đáy hào rộng 1,2 m, chạy vòng quanh phân khu trung tâm. Loài hào này được dùng để cơ động pháo, vận chuyển thương binh và điều động bộ đội;
Hai là, đường hào bộ binh, đáy hào rộng 0,5 m, chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí định.
Cả hai loại hào đều phải đào sâu khoảng 1,7 m để đảm bảo an toàn cho bộ đội khi di chuyển khỏi bom đạn Pháp.
Để đảm bảo bí mật và an toàn, việc đào hào được thực hiện từ đêm tới rạng sáng trong tư thế nằm, mỗi chiến sĩ sẽ nằm cách nhau khoảng từ 3m tới 5 m. Ban đầu, mỗi người sẽ đào những chiếc hố cá nhân, sau khi đào sâu tới một mức độ nhất định có thể ngồi đào hoặc đứng đào. Đến cuối tháng 3/1954 (trong khoảng 10 ngày), gần 100km hào trục đã hình hành, các đường hào nhánh cũng được đào tới sát tới căn cứ địch.
Hệ thống giao thông hào đã giúp bộ đội ta tiến sát tới vị trí của quân Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tấn công cũng như hạn chế thương vong khỏi bị địch pháo kích. Mặt khác, nó có vai trò như một vòng vây, chia cắt trận địa và chặn đường tiếp tế giữa các cứ điểm nhỏ lẻ của địch. Chiến hào dần áp sát tới sân bay Mường Thanh nên việc tiếp tế hậu cần và tăng cường quân Pháp từ Hà Nội lên tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay khi phát hiện ra các chiến hào, quân Pháp đã làm mọi cách để phá hủy hệ thống giao thông hào này nhưng đều vô ích. Pháo binh và máy bay Pháp bị pháo binh và pháo cao xạ ta áp chế. Pháp “bịt kín các đường hào ban ngày thì đêm bộ đội Việt Minh lại đào. Cứ thế, trận địa chiến hào của bộ đội Việt Minh giống như cái dây thòng lọng mỗi ngày lại thít chặt vào cổ quân Pháp đồn trú ở Điện Biên Phủ". Các chiến hào từng bước được siết chặt cũng gây ra những tác động tâm lý to lớn với quân Pháp, khiến họ càng thêm hoảng loạn và suy sụp.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc tổ chức chiến hào của Việt Minh là một điểm sáng tạo hết sức độc đáo. Đây không phải là “vật đứng yên” để bảo vệ bộ binh trước hỏa lực của đối phương trước thế giằng co, tiêu hao, mà là “vật chuyển động” để bao vây, lấn chiếm trận địa, từng bước xiết chặt hệ thống phòng thủ địch trên cánh đồng Mường Thanh. Chính điểm sáng tạo này đã khiến người Pháp phải bất ngờ và góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.