Gần đây, thông tin về việc tăng học phí của trường đại học Y Dược TP.HCM, cụ thể là tăng từ 13 triệu lên đến 30-70 triệu/năm đã dấy lên nhiều tranh cãi xung quanh việc liệu quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những sinh viên đang theo học, đặc biệt là với những sinh viên không có đủ điều kiện tài chính. 
Chia sẻ về điều này, Phó giáo sư.Thạc sĩ Trần Diệp Tuấn – hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết nhà trường đã xây dựng chính sách học bổng, trong tổng số 2.100 chỉ tiêu đại học năm nay, trường dự kiến sẽ trao 800 suất học bổng (từ 25%-100% học phí).
Tuy nhiên, nếu xét ra học bổng chỉ dành cho top 10-25% sinh viên giỏi, phần lớn sinh viên y khoa còn lại (trên 50%) nếu không sở hữu bảng điểm hoàn hảo sẽ không có học bổng hỗ trợ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc có bảng điểm giỏi không đảm bảo được sự tâm huyết với nghề của các sinh viên nhưng lại là tấm vé duy nhất để các bạn có thể theo học. Tương tự, với học sinh trung học phổ thông có ý định theo học ngành y, việc nhận được học bổng cũng chỉ dành cho những thủ khoa top đầu. Nhiều em học sinh chia sẻ nỗi niềm "Nhiều người nói trường tăng học phí như vậy là hợp lý, còn em nghe xong tin này muốn khóc. 70 triệu đồng là trên mức thu nhập của cả gia đình em. Cha mẹ em cũng 60 tuổi hết cả rồi, sức nào mà nuôi con đến 5-6 năm ăn học. Vào được trường mơ ước để thực hiện ước mơ của mình thì rất hạnh phúc, nhưng nếu vậy sẽ là gánh nặng của cha mẹ". 
Không chỉ đối với bậc đại học, học phí đào tạo sau đại học từ chuyên khoa 1, thạc sĩ đến chuyên khoa 2, nghiên cứu sinh…. cũng tăng vụt, từ vài chục triệu lên hơn trăm triệu mỗi năm. Chia sẻ từ một bác sĩ đang theo học chương trình chuyên khoa 1 cho biết “Với mức tăng là 140 triệu/năm, đến bác sĩ như chúng tôi cũng phải e ngại. Chúng tôi vẫn được nhận mức lương cơ bản khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng chi phí sinh hoạt mỗi tháng tại TP.HCM hiện nay, mỗi bác sĩ đi học cũng mất trên dưới 10 triệu đồng/người, bao gồm tiền trọ, tiền ăn, sinh hoạt khác. Điều này đồng nghĩa với việc hoặc chúng tôi vẫn phải “xin” tiền gia đình chẳng khác nào thời sinh viên, hoặc phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống trong thời gian 2 năm học cao học.” 
Nhiều bác sĩ cũng hy vọng rằng việc tăng học phí này có thể là bước đột phá để nâng mức thu nhập cho các nhân viên y tế - một ngành nghề cho đến hiện tại vẫn giữ một mức lương khá “bèo”.
Nhìn ở một mặt khác, tự chủ đại học, với sự ủng hộ từ nhà nước, đang dần trở thành xu thế chung cho các trường đại học. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc tự quản trong đại học, bỏ chủ quản từ bộ chủ quản sẽ giúp các trường có quyền tự chủ và đầu tư nhiều hơn vào công tác nghiên cứu, giảng dạy. Đồng thời nhà nước cũng sẽ cấp các học bổng để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho mọi người. 
Dù vậy, câu hỏi đặt ra là tự chủ đại học có thật sự nâng cao chất lượng dạy và học? Liệu đại học có còn dành cho tất cả mọi người? Quan trọng hơn, sinh viên ra trường với mức học phí cao hơn so với các trường công lập liệu có thể đảm bảo một mức lương tương ứng?
Nguồn tham khảo:
Xem thêm các số 9toTalk khác: