Tôi thở dài, gấp sách lại trong 1 buổi chiều đông với mưa tuyết phủ trên những con đường, một bầu trời ảm đạm kín mây màu chiếc áo trắng đã sờn phai theo năm tháng. Tôi nhớ những ngày ngắn ngủi ở New York cách đây chưa lâu, những khoảnh khắc bần thần ngồi bệt xuống cây cầu Brooklyn, lặng im nhìn ngắm những tòa nhà chọc trời mà tôi vẫn luôn biết là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của sức mạnh loài người. Nhưng, khác với những hình ảnh khô khan trong ký ức ấy, "Suối nguồn" dường như đã cho chúng một linh hồn.

New York (nhìn từ cầu Brooklyn)
Điều đầu tiên, tôi phải thú nhận rằng cuốn tiểu thuyết này đã khiến tôi si mê đến ngu muội trong hơn 1 tuần rồi. Tôi đã bỏ mặc tâm trí mình lướt trên từng trang sách, lật lật giở giở mà quên đi thời gian, quên đi cả những công việc của chính bản thân mình (đừng hỏi hậu quả thế nào). Thật buồn cười, vậy mà tôi đã tự cho mình là 1 người đọc sách có lý trí, có quy củ cơ đấy.
Với bản thân tôi, Ayn Rand đã cực kỳ thành công trong việc xây dựng nên một hình tượng chàng kiến trúc sư Howard Roark điển hình cho sự hoàn hảo. Anh luôn tận tâm và say mê với công việc, tôn trọng từng tòa nhà như một thực thể có linh hồn, và sống với những quy tắc bất di bất dịch cho đến suốt cuộc đời. Anh không quan tâm đến sự đánh giá của người khác, địa vị, của cải, danh tiếng của bản thân. Ngòi bút thần thánh của Ayn Rand khiến cho người đọc cảm thấy dường như mỗi hình ảnh, mỗi lời nói của Roark đều được bao quanh bởi 1 vầng hào quang. Chắc, ai đọc “Suối nguồn” cũng đều sẽ có cảm giác rằng Roark là hình mẫu, là thứ không có thật ngoài đời. Nhưng, cũng như những gì tác giả đã viết trong tác phẩm, ta không thể cứ chấp nhận thực tại, mà phải hướng tới thứ con-người-có-thể-là hoặc phải-là. Roark chính là hiện thân của tư tưởng đó, thứ con-người-có-thể-là hoặc phải-là trong tâm trí bà, và có lẽ đó là yếu tố quan trọng nhất cấu thánh sự đón nhận của đọc giả với tác phẩm.


Đọc thêm:

Sau đây là 5 bài học tôi thu được qua tác phẩm kinh điển này. Phần tóm tắt tác phẩm các bạn có thể đọc ở đây, bài này xin chỉ tập trung vào những thứ có thể đúc rút được mà thôi.
Đó là sự hiệu quả của công việc, thứ duy nhất có giá trị trên cuộc đời này. Chỉ khi một người học cách yêu công việc, thực sự hăng say với công việc, anh ta mới có thể sống có ích. Với Roark, anh đã may mắn khi khám phá được tài năng kiến trúc của mình, nhưng tôi tin rằng, sâu xa hơn, con người hoàn toàn có thể học, rèn luyện và thành công trong bất cứ công việc nào mà anh ta muốn. Chỉ là, không được tham lam và phải dành toàn tâm toàn trí cho 1 công việc nhất định mà thôi.Thứ hai, tôi học được rằng là con người, bắt buộc sống phải có những nguyên tắc và phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc ấy suốt cuộc đời. Mọi người luôn nhầm tưởng chỉ cần tiếp tục được sống (tồn tại), tích lũy của cải, giàu có là được, nhưng nếu như bạn không sống có nguyên tắc và giữ phẩm cách (điều cực kỳ khó làm), bạn sẽ dễ dàng bán đi linh hồn, thứ quan trọng nhất nhưng cũng dễ mất nhất. Và khi bạn đã bán đi linh hồn thì sẽ không bao giờ có được hạnh phúc trong cuộc sống, dù cho bạn có được thừa nhận hay giàu có đến đâu đi chăng nữa. Đó chính là bài học dành cho Gail Wynand, nhân vật quyền lực và giàu có nhất truyện. Ông đã chấp nhận bán linh hồn mình cho đám đông thông qua tờ báo Ngọn cờ, để rồi mọi nỗ lực đấu tranh khi tỉnh ngộ chỉ càng khiến cho tình trạng thêm tồi tệ hơn mà thôi.



Thứ ba, đó là sự phù phiếm của giàu sang, danh tiếng và đời sống thượng lưu. Nó thể hiện qua hình ảnh Peter Keating, chàng trai tốt nghiệp thủ khoa trường học viện kiến trúc danh giá Stanton. Anh có mọi thứ trong sự nghiệp, và ngay cả đến những ngày tháng đen tối nhất ở cuối tác phẩm, Ayn Rand vẫn dành cho anh cái ân huệ có đủ tài sản để sống dư dả đến hết đời. Vậy mà, anh sống không bằng chết, bạc nhược, rệu rã và hèn hạ. Đó là Peter Keating, người luôn đánh giá bản thân qua lời nhận xét của người khác, người luôn để mình say sưa trong những lời ca tụng có cánh, và không bao giờ tự đặt giá trị vào bên trong bản thân mình.Thứ tư, đó là bài học về quyền lực của từ ngữ. Cũng giống như "Kẻ trộm sách", Ayn Rand cho thấy điều đó là nguy hiểm như thế nào nếu một người có thể vận dụng từ ngữ một cách thông minh xảo quyệt để định hướng đám đông. Chắc nhiều bạn đọc cũng đã thấy chưng hửng với cái kết hơi lãng xẹt, khi ta biết chắc rằng quyền lực của Ellsworth Toohey không dừng lại ở đó. Nhưng, có lẽ, thông điệp của tác giả đã quá rõ ràng. Mỗi bài báo, mỗi con chữ bạn lựa chọn để đọc, để tiếp nhận vào đầu đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng tư duy và nhận thức của bạn.Và cuối cùng, quan trọng nhất, Suối nguồn đề cao chủ nghĩa cá nhân. Một cái tát rất mạnh vào chủ nghĩa vị nhân sinh, hay thứ bài học đạo đức vẫn được rao giảng hàng ngày hàng giờ khắp nơi rằng bạn phải biết sống quên đi bản thân mình và hy sinh cho người khác. Một câu văn chắc có lẽ sẽ ám ảnh tôi suốt cuộc đời: "Khi mà lòng vị tha được đề cao như một đức hạnh thì xã hội này thực sự đã xuống cấp trầm trọng rồi". Nếu suy rộng ra một chút, thì điều này đề cập đến sự bất hạnh lớn nhất mà tác giả đề ra, đó là sự bất hạnh khi bạn đã bán đi linh hồn. Một người có thể có những giai đoạn nghèo khổ như Roark, như Steve, nhưng anh ta vẫn hiên ngang và mạnh mẽ nếu như anh ta tôn trọng linh hồn của chính mình. Nhưng một người như Peter thì thực sự cần thương hại của mọi người. Và nếu như có quá nhiều người cần đến nó, đến nỗi sự thương hại vị tha chính nó trở thành 1 đức tính của xã hội, thì đúng là xã hội ấy đã đến mức thảm hại. Chỉ có điều, thực tình sao không dám nghĩ tiếp cho xã hội bây giờ!?!

Vậy đấy. Tạm biệt nhé, những Howard Roark, Dominique Francon, Peter Keating, Ellsworth Toohey, Gail Wynand, và tất cả. Nhưng chắc chắn sẽ gặp lại nhau!

Roark đứng đó, hiên ngang lặng lẽ
Mặc cuộc đời đổi trắng thay đen
Sáng cao, cô độc giữa thấp hèn
Môi mỉm cười gạt hết những nhỏ nhen

Chỉ một lòng mong xây nên ý nghĩa
Công việc, nguồn cảm hứng lớn lao
Thứ duy nhất để thực sự tự hào
Vì đã được sống, được tồn tại, chẳng phải sao?

Đọc thêm:


24/01/2018
A Dreamer