Mình từng khởi nghiệp và đã dừng lại. Thực ra cái khởi nghiệp của mình bé xíu xinh, cùng đứa bạn lâu năm bán trà và kêu gọi cả nhà uống trà nhiều lên. Sau 2 năm nhìn lại là vậy. Còn lúc khởi động thì thấy dự án to lớn và hoành tráng lắm.
Mình là đứa không ngại khó, lại còn liều, nên việc bản thân mở ra điều gì đó và vấp ngã là không quá đáng ngạc nhiên. Vậy tại sao mình lại lựa chọn chia sẻ câu chuyện kinh doanh lỗ thiếu lãi này?
Đây là trải nghiệm tự kinh doanh đầu tiên và nó mang đến cho mình nhiều bài học quan trọng - những bài học đã mãi dũa đứa cứng đầu này trở thành con người can trường và thấu hiểu được cái khó của mọi người hơn.

BÀI HỌC SỐ 1: NẾU CHỈ KHỞI NGHIỆP ĐỂ KIẾM TIỀN THÌ ĐI LÀM SẼ ĐỠ VẤT VẢ HƠN.

Thời điểm mình khởi nghiệp là giữa tâm dịch 2021. Với nhiều người, đây là quyết định ngược đời và ngu ngốc. Còn mình, cách đây 2-3 năm, thì tin vào "tầm nhìn" cá nhân. Để mỗi khi ai đó hỏi vì sao lại khởi nghiệp và lựa chọn trà để kinh doanh, mình có thể dõng dạc rằng: Nhận thấy nhiều nhu cầu nảy sinh về một không gian làm việc của đại đa số dân văn phòng WFH và sự tăng trưởng của freelancer (người làm tự do). Lựa chọn trà là thức uống đi kèm những giờ làm việc, đổi gió cho café, là quyết định kinh doanh đúng đắn.
Những bài Post bán hàng mình làm trong quá trình kinh doanh.
Những bài Post bán hàng mình làm trong quá trình kinh doanh.
Vậy tại sao không vừa đi làm vừa kinh doanh mà cứ chọn ra riêng khởi nghiệp?
Trải nghiệm đi làm kém hạnh phúc và ý muốn tự chủ tài chính đã thúc đẩy mình quyết định nghỉ việc và tự kinh doanh. Đỉnh điểm là năm 2021 - năm mình có nhiều biến động về sự nghiệp: lương thưởng cắt giảm, trì hoãn lên chức, bất hòa với sếp mới,... Chuyện nghe tưởng chừng như cơm bữa nhưng với một người đang trải qua nhiều bất lợi như mình, nghỉ việc và khởi nghiệp là quyết định giải thoát.
Người nào muốn đến điểm cuối như kế hoạch đã định thì phải đi theo một con đường duy nhất và không được đi lang thang qua nhiều ngả.
_Lucius Annaeus Seneca the Younger_
Mình được nghe nhiều câu chuyện về khởi nghiệp thành công. Và mô-típ chung của những câu chuyện đó như sau: Founder Z có mối bận tâm cụ thể trong nhiều năm. Sau khoảng thời gian tìm tòi trải nghiệm, họ tự đưa ra cách thức riêng và thành công giải quyết được mối bận tâm ấy. Khởi nghiệp là cách tốt nhất để Founder Z truyền thông giải pháp cũng như tìm được những người đang trải qua vấn đề nêu trên.
Chưa vội đánh giá câu chuyện này là thật hay giả, vì nhìn chung ở chúng, có một sự thật hiển nhiên: Start-up khác kinh doanh. Ở chỗ rằng, Start-up sinh ra để giải quyết vấn đề còn kinh doanh chủ yếu là để tạo ra thu nhập. Và việc giải quyết đúng vấn đề là thành tố quyết định sự thành bại của Start-up.
Sự khác biệt của Start-up với Kinh doanh nhỏ.
Sự khác biệt của Start-up với Kinh doanh nhỏ.
Đừng đánh tráo Start-up với 'khởi nghiệp' hay 'tự kinh doanh'! Bởi chính sự tham lam và đánh đồng định nghĩa ấy mà mình đã đặt ra vô số tiêu chuẩn với cái shop nhỏ chưa thành hình. Mình đến với khởi nghiệp là để kinh doanh kiếm tiền - một nguồn tiền độc lập và không phụ thuộc lương. Nhưng bản thân lại mong muốn cái danh Start-up và cống hiến cộng đồng.
Chẳng lẽ không thể vừa khởi nghiệp vừa cống hiến cộng đồng?
Có chứ. Vì sản phẩm đủ tốt, đủ giá trị là cống hiến xã hội rồi. Nhưng một mũi tên không thể trúng nhiều đích trong một lần và cái gì cũng cần sự ưu tiên trước sau của nó. Và điều mình nên ưu tiên, là kinh doanh kiếm lợi nhuận. Để khi làm rồi mới thấy, nếu muốn kiếm tiền thì tiền lương vẫn là nguồn tiền kiếm đỡ phức tạp nhất.
Nhưng vẫn có rất nhiều người trẻ khởi nghiệp ngoài kia và thành công? Bí quyết là gì nhỉ?
Có lẽ chẳng có bí quyết nào ngoài việc làm đến cùng, dám chịu trách nhiệm và kiên trì với điều mình đam mê. Điều mình đam mê – không phải là trà. Ở thời điểm kinh doanh, mình không biết gì về trà. Và đó, có lẽ, là cốt lõi của mọi thử thách trên con đường kinh doanh.

BÀI HỌC SỐ 2: SẢN PHẨM HOÀN HẢO? KHÔNG CÓ ĐÂU!

Mình từng là đứa cầu toàn và thích sự khác biệt. Thay vì chỉ mua đi bán lại những gói trà đóng sẵn, mình lựa chọn tự tạo ra dòng sản phẩm mới. Mình liên tục lên kế hoạch tạo sản phẩm, thử, đánh giá, chỉnh sửa, rồi lại lên kế hoạch tạo sản phẩm,... trong suốt 1 năm 3 tháng khởi nghiệp. Và kết quả là:
Số lần tung sản phẩm để bán hàng? - 3 lần.
Số lần lên kế hoạch kinh doanh và tạo sản phẩm? - 3 tuần/ 1 lần.
Số lần tạo ra sản phẩm ưng ý? - 0 lần.
Sản phẩm ưng ý, với mình, là sản phẩm chiều lòng được tất cả những khách hàng mục tiêu, đủ thơm ngon, đặc sắc và giá cả vừa tầm. Nhưng thế nào là thơm ngon, đặc sắc và vừa tầm thì chính chúng mình lại chẳng biết. Bởi vì sao?
- Thiếu đi hành động quan trọng trong kinh doanh: Bán hàng.
- Coi trọng sự "cầu toàn" và quan điểm cá nhân.
Khi sự trì hoãn ngụy trang thành việc lên kế hoạch.
Khi sự trì hoãn ngụy trang thành việc lên kế hoạch.
Nhớ lại hồi cả hai đồng sự đi cafe sau khi đã cạn vốn lẫn tinh thần, mình mới ngộ ra: À, hóa ra cửa hàng café không chỉ có mình mình là khách. Đâu phải món nào trong menu mình cũng thích; đồ uống mình không thích, thực ra lại là best seller.
Thì ra, chỉ cần sản phẩm thành hình, không phạm phải nhân sinh quan về chất lượng, khẩu vị hay giá cả thì đều sẽ tìm được khách hàng của chính nó.

BÀI HỌC SỐ 3: KINH DOANH KHÔNG PHẢI CÂU CHUYỆN CỦA RIÊNG BẠN, ĐÓ LÀ CÂU CHUYỆN CỦA CỘNG ĐỒNG.

Chẳng ai kinh doanh mà không cần khách hàng. Khách hàng có thể khác bạn ở nhiều khía cạnh, nhưng chắc chắn chúng ta chia sẻ chung một giá trị cốt lõi. Và giá trị đó được thể hiện qua cách và sản phẩm bạn kinh doanh.
Định nghĩa về "Cộng đồng" theo Nhân loại học, trích Anthropoholic.com.
Định nghĩa về "Cộng đồng" theo Nhân loại học, trích Anthropoholic.com.
Mình thấy vấp ngã khó hiểu nhất của một đứa làm Marketing chính là đã giấu nhẹm đi việc kinh doanh với bạn bè và người thân quen. Mình cũng có tham gia vào các hội nhóm về trà và bán trà nhưng chưa từng một lần đăng bài để kinh doanh. Chỉ nhớ lúc đó mình còn bận làm ra sản phẩm mới hoàn hảo hơn thì sao mà bán hàng được?
Nhưng nếu có đăng bài thì sao nhỉ? Có được nhiều like không? Có được nhiều comment và inbox không? Đơn giản là ai sẽ mua hàng đây?
Có thể họ sẽ không mua hàng cho bạn đâu. Nhưng 9 người 10 ý, từ đó có thể tam sao nhất bản nên vô vàn câu chuyện thương hiệu cho chính sản phẩm mình đang tạo ra. Và biết đâu, sự có mặt nhiều hơn qua câu chữ trên mạng xã hội và những lời chia sẻ của mọi người xung quanh, 51% cơ hội sẽ đến với việc kinh doanh của mình thì sao?
Vậy mình nên đi đâu để tìm cộng đồng cho sản phẩm mình đây?
Ở yên đó, hoặc tìm về với những chuyên gia đầu ngành, là bạn và dũng cảm chia sẻ nhiều hơn những giá trị tâm huyết. Cộng đồng dành cho bạn sẽ dần xuất hiện mà thôi.

BÀI HỌC SỐ 4: BẠN ĐỒNG HÀNH CHUNG MỤC TIÊU LÀ QUAN TRỌNG.

Bạn đồng hành với mình là người cũng chẳng hiểu về trà. Cụ thể hơn, bạn không đam mê mảng đồ uống hay có thói quen làm việc cùng với một tách trà – café. Bạn thích kinh doanh, bất kể loại kinh doanh gì. Vì với bạn, kinh doanh là để kiếm thêm thu nhập ngoài lương. Còn với mình, kinh doanh lần này là để tự chủ tài chính không cần lương.
Cả hai có vẻ giống nhau ở dự án kinh doanh này đấy chứ?
Giống vì chẳng hiểu gì về trà và thật giống vì chẳng có đam mê gì ngoài tiền với cái start-up bé xinh. Thời điểm khởi nghiệp, mình quyết định gap year và bạn thì đi làm công ty. Nên chẳng khó hiểu khi mình xung phong đảm nhận nhiều việc hơn để hai bên hợp tác suôn sẻ. Nhưng chuyện đã chẳng suôn sẻ, và dĩ nhiên chẳng bao giờ có thể suôn sẻ, khi trong mối quan hệ cộng tác, mình và bạn luôn cảm thấy sự thiếu cân bằng về công sức, vốn liếng bỏ ra và cả lợi nhuận thu về.
Những tranh cãi không lành mạnh nổ ra bởi góc nhìn, cách làm việc và mục tiêu khác biệt.
Những tranh cãi không lành mạnh nổ ra bởi góc nhìn, cách làm việc và mục tiêu khác biệt.
Hệt như câu chuyện bạn và người yêu bên nhau đủ lâu để đi đến quyết định cưới xin. Bạn cho rằng, quyết định kết hôn là vì tình yêu mặn nồng của hai đứa. Còn người yêu bạn thì coi đây là chuyện đã đến tuổi cần triển khai. Chẳng ai đúng và cũng chẳng ai sai. Nhưng quan điểm vốn dĩ khác biệt này là nguyên nhân của sự thiếu hạnh phúc và thỏa mãn trong hôn nhân. Đã yêu thì đừng tính toán nhưng khác biệt quá lớn về quan điểm, góc nhìn và mục tiêu lại chẳng phù hợp để ta chung sống dài lâu. Để rồi vào một đêm cuối tháng 5 mưa rơi tầm tã, bạn muốn dừng lại và mình cũng không đủ đam mê bước tiếp.
Mình, có lẽ, sẽ không bao giờ tìm thấy một người bạn đồng hành giống mình. Vậy mới tốt. Nhưng điều cần thiết là quan điểm cốt lõi nên giống nhau, đặc biệt là về tầm nhìn và mục tiêu dài hạn.

BÀI HỌC SỐ 5: VẤP NGÃ ĐỂ MỞ RA CON ĐƯỜNG RÕ RÀNG HƠN.

Mình đã gap year trong quá trình kinh doanh. Và nỗi sợ lớn nhất sau khi dừng bán trà là đi làm lại. Đúng vậy, mình đã quyết định đi làm lại sau khi kinh doanh thiếu thành công. Vì sao nhỉ? Ngã rồi mới thấy đau và mình nhận ra bản thân còn quá nhiều điều cần học.
Trích Paulo Couelho, tác giả "Nhà giả kim".
Trích Paulo Couelho, tác giả "Nhà giả kim".
Bạn đọc có thể bảo: "Vừa làm vừa học, có sao đâu?". Chẳng ai tắm hai lần trên một dòng sông và cũng chẳng ai nên mắc cùng một sai lầm hai lần liên tục.
Đừng hiểu lầm việc khởi nghiệp này là sai lầm! Bởi có nó mình mới nhìn rõ nhược điểm của bản thân: Thiếu định hướng kinh doanh, nguồn lực tài chính và khả năng quản trị đa phương diện. Và để khắc phục nhược điểm này, việc đi làm lại là cần thiết. Để học tiếp, trau dồi tiếp và kết nối với những người đã khởi nghiệp thành công.
Sự thật là điều kỳ diệu đã đến bạn ạ. Sau tháng ngày mông lung tìm việc lại, mình đã có được công việc nên có với câu chuyện khởi nghiệp không thành công. Nghe lạ nhỉ? Mình từng trăn trở với khoảng gap year và định kiến của nhà tuyển dụng với những người bỏ dở để làm kinh doanh. Nhưng thật bất ngờ khi được nghe người quản lý chia sẻ rằng: Cái hay không nằm ở đoạn kết, cái hay nằm ở hành trình và những điều mình đã học qua.
Nên với mình, việc khởi nghiệp lỗ thiếu lãi trong 1 năm 3 tháng ấy là hành trình, dù nhiều khó khăn, nhưng cần thiết để bản thân nhìn nhận rõ ràng hơn con đường tương lai.
Hy vọng rằng những bài học kinh nghiệm này sẽ giúp bạn – những người đã, đang và sẽ tự kinh doanh, có góc nhìn và quyết định phù hợp cho hành trình khởi nghiệp của mình.
Vương Hà (Vee).